Nếu bạn may mắn làm việc cho một công ty có quyền lợi ngày nghỉ phép để chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều gì đang ngăn cản bạn sử dụng chúng?
Có thể đó là sự kỳ thị dai dẳng xung quanh các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm lý nơi công sở. Nếu như vậy, bạn chắc chắn không đơn độc. 76% người lao động cho biết họ cảm thấy có sự kỳ thị ở mức độ vừa đến cao tại nơi làm việc xung quanh vấn đề này. Bên cạnh đó 55% thậm chí còn sợ bị “trừng phạt” nếu sử dụng ngày nghỉ chăm sóc sức khỏe tinh thần
Tuy nhiên, các công ty ở Singapore (và khắp châu Á) đã bắt đầu nhận ra văn hóa chăm sóc sức khỏe tinh thần nơi công sở có thể mang lại lơi ích cho công ty và đội ngũ nhân viên. Họ nhận ra rằng, vì sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất, nên đầu tư vào sức khỏe tinh thần của nhân viên cũng chính là tạo nên ý thức kinh doanh tốt.
Nhiều tổ chức lớn nhỏ đã và đang triển khai dần các sáng kiến như ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều kiện làm việc linh hoạt và các quyền lợi chăm sóc sức khỏe tinh thần khác. Và nhân viên không nên cảm thấy xấu hổ khi tận dụng tối đa những lợi ích này.
Câu trả lời cho câu hỏi “Chúng ta có nên sử dụng ngày nghỉ cho sức khỏe tinh thần không?” chắc chắn là có
Nếu bạn vẫn không chắc liệu việc dùng đến ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần có xác đáng không, hoặc không biết làm thế nào để yêu cầu ngày này, thì đây là một số gợi ý từ Nistha Singh, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm Khai vấn viên (coaching) sức khỏe hành vi tại Intellect.
1. Đánh giá lại mối quan hệ giữa bạn với việc nghỉ ngơi
Tại sao chúng ta lại ngại nghỉ ngơi dù biết rằng điều này rất quan trọng đối với sức khỏe và chức năng trong cơ thể?
Chúng tôi hiểu. Định kiến xã hội từ hàng thập kỷ qua cho rằng nghỉ ngơi là lười biếng và làm việc quá sức mới là đáng được công nhận, thật khó mà chống lại điều đó. Đây là một trong những nguyên do khiến chúng ta ngủ quá ít và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi làm việc từ xa.
Chúng ta thường nghe nói con người không phải là cỗ máy, nhưng ở một vài khía cạnh nào đó thì điều này cũng đúng. Cũng giống như máy móc, chúng ta sẽ hoạt động tốt hơn và bền hơn nếu được bảo trì tốt, và cố làm việc quá sức liên tục sẽ khiến ta tổn hao nhiều hơn so với việc được nghỉ ngơi hay “bảo trì” đều đặn.
Vì vậy, nếu bạn không muốn nghỉ để chăm sóc tinh thần vì sợ rằng như vậy là có vẻ như không bằng những đồng nghiệp không “phải” xin nghỉ, thì hãy nhớ rằng việc ưu tiên sức khỏe tinh thần tuyệt đối không phải là yếu đuối. Mà trái lại, đó là dấu hiệu của khả năng thấu hiểu bản thân và có tầm nhìn xa.
“Thông thường, mọi người thấy rằng họ không thể xin nghỉ để chăm sóc tinh thần vì chưa đến mức cấp thiết, dù đó là quyền lợi của họ,” Nistha Singh chia sẻ.
“Nhưng tại sao chúng ta lại chờ cho đến khi đạt đến hoặc vượt quá điểm giới hạn mới hành động? Đã đến lúc chúng ta nên coi những ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ đơn thuần là để xử lý khi có vấn đề, mà đó nên là sự chủ động đầu tư cho hoạt động chăm sóc bản thân.”
2. Lên kế hoạch cho ngày chăm sức khỏe tinh thần theo nhu cầu của bạn
Ngày chăm sức khỏe tinh thần không đơn thuần là một ngày nghỉ – đó là một khoản đầu tư. Và hiểu về những điều bạn đang thiếu hoặc cần sẽ giúp bạn tối ưu khoản đầu tư đó.
Bạn đơn giản chỉ cần nghỉ ngơi? Hay bạn đang khao khát có nhiều thời gian hơn bên cạnh những người thân của mình? Có lẽ một số hoạt động vui vẻ sẽ giúp bạn kích thích lại khả năng sáng tạo của mình? Vì nhu cầu của chúng ta thay đổi theo hoàn cảnh, nên không có một lộ trình nào phù hợp cho tất cả.
Và trước khi bạn có ý định nhồi nhét các hoạt động vào ngày chăm sóc tinh thân, hãy nhớ rằng bạn không cần phải “năng suất” vào những ngày này.
Nistha giải thích: “Sẽ phản tác dụng nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng vì sợ lãng phí ngày nghỉ đến mức khiến bản thân kiệt sức khi cố gắng làm quá nhiều điều”.
Cô đề nghị làm bất cứ điều gì có thể để cải thiện tâm trạng của bản thân và khắc phục vấn đề khiến bạn muốn sử dụng ngày nghỉ này ban đầu.
Đó có thể là tham gia một lớp học yoga, theo đuổi một sở thích hoặc làm một số việc thiện nguyện, nhưng cũng không có gì phải xấu hổ khi chỉ ngủ và xem phim trên giường, miễn sao đó không phải là việc bạn đã làm hàng ngày.
Andrew M. Kuller, quản lý cấp cap đội ngũ lâm sàng tại Chương trình bán trú sức khỏe hành vi của của Bệnh viện McLean, cho biết điều quan trọng là phải có sự lưu tâm cho dù bạn chọn hoạt động nào. Ông giải thích, điều khiến những ngày chăm sóc tinh thần thực sự hiệu quả là chúng ta chú tâm để có một ngày ít căng thẳng, ít trách nhiệm, bình tĩnh và thư giãn.
Nếu không, bạn sẽ có một ngày trôi qua với trạng thái bơ phờ và sợ hãi quay trở lại công việc vì bạn không cảm thấy tinh thần và cảm xúc được khôi phục.
3. Đừng áp lực với việc giải thích quá nhiều
Nếu người quản lý của bạn đủ giỏi, họ sẽ hiểu rằng việc yêu cầu nhân viên làm việc quá sức chỉ thể hiện khả năng quản lý đội ngũ và rủi ro yếu kém.
Khi yêu cầu một ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần, hãy cứ mạnh dạn và đừng ngượng ngùng.
Nistha khẳng định, “Bạn không cần phải cố chứng minh và không có nghĩa vụ phải giải thích lý do sử dụng ngày này hoặc dự định trải qua như thế nào. Không phải với sếp, và cũng không phải với đồng nghiệp.” “Và nếu muốn giảm bớt lo lắng về khối lượng công việc, hãy lên kế hoạch cho ngày hôm sau ngày chăm sóc sức khỏe tâm thần trước khi bạn dành thời gian nghỉ ngơi.”
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang ở giai đoạn cuối của một dự án cần có sự tham gia của tất cả mọi người? Chà, bạn luôn có thể báo trước với quản lý của mình rằng bạn sẽ cần một đến hai ngày để nghỉ ngơi và hồi phục sau khi kết thúc dự án.
Điều đó cho thấy bạn biết cách quản lý bản thân và cho bạn lý do để tiếp tục cố gắng.
Chủ định mỗi ngày là một ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần
Ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần là dành riêng cho việc phục hồi của bạn nhưng nó không nên bị giới hạn vào một vài ngày nhất định.
Nghỉ làm một vài ngày, đi chơi hoặc chọn một sở thích mới có thể không giải quyết được căn nguyên của tình trạng kiệt sức, thường xuất phát từ việc chúng ta ngại ngắt kết nối và nghỉ ngơi. Để rời khỏi công việc trước khi đạt đến điểm giới hạn cần có sự thấu hiểu bản thân và khả năng tự chăm sóc bản thân thường xuyên.
Mặc dù sức khỏe tinh thần là của cá nhân, nhưng sức khỏe của bạn không chỉ mang lại lợi ích cho bạn. Khi sống điều độ và chủ động phòng chống tính trạng kiệt sức, bạn có thể mang lại lợi ích cho bạn thân, sếp và đồng nghiệp.